Chuyên Gia: ‘1,7 Triệu Dân Bị Ảnh Hưởng Nếu Quảng Nam Dời Nhà Máy Thép’
Quảng Nam từng nêu quan điểm không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế thì phải xem đó là tiêu chí và quan trọng nói thì phải làm
Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia Dự án quản lý rủi ro thiên tai WB5 (VN-Haz) TP Đà Nẵng, cho rằng sản xuất thép là một trong những ngành gây ô nhiễm nặng. Quảng Nam từng nêu quan điểm không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế thì phải xem đó là tiêu chí và quan trọng nói thì phải làm.
– Ông nhận xét gì về việc UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương di dời nhà máy luyện cán thép quy mô 180.000 tấn/năm từ thị xã Điện Bàn lên thượng nguồn sông Vu Gia?
– Tỉnh Quảng Nam cho rằng di dời nhà máy luyện cán thép Việt Pháp đến thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) sẽ không gây ô nhiễm vì xử lý nước thải theo chu kỳ khép kín tuần hoàn. Khẳng định không ô nhiễm nên tỉnh không cần có ý kiến của Đà Nẵng.
Tôi thấy nghi ngại về khẳng định của Quảng Nam. Nếu nhà máy không ô nhiễm thì tại sao người dân quanh Cụm công nghiệp Thương Tín 1 (thị xã Điện Bàn) phản đối suốt thời gian qua, khiến nhà máy phải sản xuất cầm chừng và chuyển đi nơi khác.
Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng. Ảnh:Nguyễn Đông.
Người dân sống gần chỉ cần quệt tay vào cánh cửa là thấy bụi bám đầy, cho thấy việc nhà máy gây ô nhiễm bụi và khí thải rất rõ ràng. Quảng Nam cứ nghĩ khi chuyển lên vùng núi ít dân thì người dân có thể chịu được. Nhưng khí thải của quặng thép nặng hơn không khí nên sẽ rơi xuống, gặp mưa thì cuối cùng cũng đưa ô nhiễm theo dòng sông về hạ du.
Nguồn nước quan trọng nhất của Đà Nẵng là sông Vu Gia, với 99% khối lượng nước, mà ô nhiễm thì dân lãnh đủ. Chưa nói đến lưu lượng nước hiện nay của sông Vu Gia ít đi do thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước chuyển về Thu Bồn phát điện.
Một điều lo lắng nữa là Quảng Nam nói nhà máy thép có công nghệ xử lý khói bụi, nhưng khói bụi rất khó thu hồi 100%. Nếu có công nghệ thu được khói bụi thì sao không để nhà máy ở chỗ cũ rồi áp dụng công nghệ mới mà phải chuyển đi nơi khác xa xôi, giao thông khó khăn. Do đó nói nhà máy thép không ô nhiễm là không thuyết phục.
– Chính quyền Quảng Nam cho rằng công nghệ sản xuất của Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép, khác với Formosa Hà Tĩnh là tổ hợp các nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện. Ông nhìn nhận như thế nào?
– Họ nói không luyện thép từ quặng sẽ không gây ô nhiễm. Nhưng nếu nhà máy dùng lò đứng công nghệ của Trung Quốc để nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép thì lò đứng này Trung Quốc đang thải ra, bán rẻ như cho, chất lượng kém và chắc chắn gây ô nhiễm. Còn sử dụng công nghệ khác thì không chịu nổi tiền vì kèm theo đó rất nhiều thiết bị.
Đừng tưởng nhà máy nói không luyện thép, không luyện cốc là không ô nhiễm. Thực chất ô nhiễm nhất là nấu thép từ phế liệu. Thử nhẩm tính với công suất 180.000 tấn/năm, mỗi ngày nhà máy sẽ phải sản xuất ra 500 tấn thép. Phế liệu đâu ra để họ có nguyên liệu sản xuất ra con số khổng lồ đó.
Quảng Nam, Đà Nẵng hay cả vùng Tây Nguyên lâu nay có phế liệu từ chiến tranh, nhưng nhiều nhà máy đã thu mua rồi, giờ cũng không còn nhiều. Không có phế liệu thì nhà máy phải nhập từ nước ngoài. Ở các quốc gia khác, phế liệu được quy định phải qua xử lý. Bây giờ mình nhập về, họ không xử lý nữa mà bán thẳng.
Thử nghĩ đến chuyện phế liệu đó là những thùng phuy đựng nhựa đường, hóa chất độc hại… thì vô hình chung Việt Nam sẽ thành bãi rác chất độc hại. Việt Nam đã phát hiện bao nhiêu container thép phế liệu độc hại được nhập về, như ở Hải Phòng, chủ đầu tư trốn không dám đến nhận.
Không thể nói rằng nấu sắt thép phế liệu sẽ không ô nhiễm.
– Khẳng định trước sau gì nhà máy này cũng gây ô nhiễm môi trường, theo ông bao nhiêu người dân sẽ bị ảnh hưởng nếu Quảng Nam nhất quyết di dời nhà máy này lên hạ lưu sông Vu Gia?
– Nếu nhà máy xảy ra ô nhiễm thật thì vấn đề lo ngại là ô nhiễm đó được đưa đi bằng đường nào. Xả trực tiếp vào nước thì không được, mà chôn lấp hay đưa vào hồ chứa thì Thạnh Mỹ là vùng cao, mạch nước ngầm trước sau gì cũng chảy về hạ lưu khiến khoảng 1,7 triệu dân ở Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Đà Nẵng phải gánh chịu.
Đà Nẵng từng từ chối một nhà máy thép vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Quảng Nam làm quá ẩu, vì chưa có kết quả đánh giá tác hại môi trường đã vội khẳng định nhà máy thép “sạch” và đồng ý chủ trương cho khảo sát di dời. Mấy ngày qua tôi thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phản ứng cho rằng báo chí đưa thông tin chưa chính xác. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là chỉ khi báo chí lên tiếng thì mọi chuyện mới phần nào được làm sáng tỏ.
Người dân Điện Bàn nhiều lần dựng lán trại phản đối Nhà máy thép Việt-Pháp gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.Đ.
– Ông nói gì việc Quảng Nam gửi văn bản phúc đáp phía Đà Nẵng?
– Chủ tịch TP Đà Nẵng đã ký văn bản đề nghị Quảng Nam chia sẻ thông tin liên quan đến vị trí di dời nhà máy thép để giải thích với người dân. Theo Kết luận 26 của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường thì đề nghị của Đà Nẵng là phù hợp. Nhưng khi Quảng Nam phúc đáp thì lại là Phó chủ tịch tỉnh ký văn bản.
Quảng Nam từng nêu quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Thực ra đây không phải là quan điểm của riêng Quảng Nam, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, nên đó là chủ trương của Nhà nước.
– Theo ông, nếu lấy ý kiến rộng rãi, liệu Quảng Nam có di dời được nhà máy thép Việt Pháp lên lưu vực sông Vu Gia?
– Luật Bảo vệ môi trường quy định khi xây dựng dự án phải có ý kiến cộng đồng những nơi có thể bị ảnh hưởng. Nếu Quảng Nam di dời nhà máy thép lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, thì phải có đánh giá của người dân huyện Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Đà Nẵng – những nơi bị ảnh hưởng nguồn nước sông Vu Gia.
Thêm vào đó, Vu Gia là con sông liên tỉnh nên phải có ý kiến của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Có thể Bộ Tài nguyên còn lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp, Công thương nữa. Tôi dự đoán nhà máy thép sẽ không được cấp phép hoạt động ở lưu vực sông ảnh hưởng đến hàng triệu dân, vì đã có những bài học nhãn tiền liên quan đến luyện cán thép.